Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) ra đời ngày 8-6-2006 theo Quyết định số 134/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở Trung tâm Phát triển công nghệ thông tin và khai giảng năm học đầu tiên vào tháng 10-2006.
Mã trường: QSC
Địa chỉ: Khu phố 6, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.HCM hoặc 34 Trương Định, quận 3; 137E Nguyễn Chí Thanh, quận 5.
Điện thoại: (08) 8533066 - 9304898 - 9304897 - 8974500
Website: http://www.uit.edu.vn/
Trường có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) chất lượng cao; đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho công nghiệp CNTT thông qua các chương trình đào tạo tiên tiến về CNTT ở bậc ĐH và sau ĐH; kết hợp triển khai R&D (nghiên cứu và phát triển) trong các khu công nghệ cao, các khu công nghệ phần mềm, tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận các CNTT tiên tiến và trong môi trường làm việc chuyên nghiệp.
Trường đào đạo theo hệ tín chỉ; giảng dạy một phần các môn học thuộc giai đoạn chuyên ngành bằng tiếng Anh. Thời lượng học tiếng Anh gấp đôi các trường ĐH khác. Sinh viên được cấp tài khoản truy cập hệ thống tài nguyên học tập, tiếp cận hệ thống giáo trình điện tử các môn học, kho luận văn, luận án trong quá trình học.
Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) lấy điểm chuẩn chung cho tất cả các ngành. Điểm chuẩn năm 2007 đối với nguyện vọng 1 là 20; nguyện vọng 2 là 20,5. Điểm chuẩn năm 2006 là 19.
Bắt đầu từ năm thứ ba trở đi, sinh viên trường sẽ được dạy bằng tiếng Anh. Vì thế khi sinh viên mới vào trường, nhà trường tổ chức thi xếp lớp và thiết kế chương trình học tiếng Anh làm sao để sau năm thứ hai thì sinh viên có trình độ tương đương TOEFL 450. Như vậy, thí sinh dự thi vào trường không bắt buộc có bằng tiếng Anh đầu vào nhưng phải có trình độ tiếng Anh khá để dễ nắm bắt bài học.
|
Mô hình Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) |
Các chuyên ngành đào tạo của trường: khoa học máy tính (mã ngành 171), kỹ thuật máy tính (mã ngành 172), kỹ thuật phần mềm (mã ngành 173), hệ thống thông tin (mã ngành 174), mạng máy tính và truyền thông (mã ngành 175).
+ Ngành khoa học máy tính đào tạo kỹ sư ngành khoa học máy tính nắm vững kiến thức cơ bản và chuyên môn sâu về khoa học máy tính, trong đó chú ý đến các lĩnh vực tiên tiến về CNTT như: các hệ thống điều khiển thông minh, các hệ thống đa truyền thông, các hệ thống khai thác xử lý tri thức, xử lý ngôn ngữ tự nhiên… Sinh viên tốt nghiệp có thể tham gia giảng dạy CNTT trong các trường ĐH, tham gia nghiên cứu trong các phòng lab R&D, tư vấn về CNTT cho các đơn vị, doanh nghiệp cũng như tham gia viết các sản phẩm phần mềm.
Cử nhân khoa học máy tính làm việc ở các chức danh: cán bộ nghiên cứu và ứng dụng CNTT ở các viện, trung tâm nghiên cứu và các trường ĐH, CĐ; giảng viên CNTT ở các trường ĐH, CĐ, TCCN và dạy nghề; cán bộ quản lý dự án CNTT ở các cơ quan, ngành, tổng cục, công ty; tiếp tục được đào tạo sau ĐH để nhận các trình độ thạc sĩ và tiến sĩ, trở thành các chuyên gia trong lĩnh vực CNTT.
+ Ngành kỹ thuật máy tính đào tạo kỹ sư ngành kỹ thuật máy tính nắm vững các nguyên lý cơ bản và thực tiễn trong lĩnh vực kỹ thuật máy tính, đặc biệt là lĩnh vực thiết kế vi mạch. Sau khi hoàn thành chương trình, kỹ sư ngành này có khả năng nghiên cứu và thiết kế các bộ phận chức năng của máy tính, tham gia làm việc trong các dự án sản xuất các thiết bị máy tính cho các tập đoàn lớn trên thế giới đã đầu tư vào Việt Nam như: Intel, IBM, Samsung, Nidec…
+ Ngành kỹ thuật phần mềm trang bị cho sinh viên kiến thức tổng quát về qui trình xây dựng, quản lý và bảo trì hệ thống phần mềm; có khả năng phân tích, thiết kế và quản lý các dự án phần mềm; cung cấp phương pháp luận và công nghệ mới để sinh viên có thể nắm bắt và làm chủ các tiến bộ khoa học. Sinh viên được cung cấp kiến thức cơ bản về tổ chức và quản lý công nghệ phần mềm để có khả năng xây dựng mô hình và áp dụng các nguyên tắc của công nghệ phần mềm vào thực tế.
+ Ngành hệ thống thông tin đào tạo kỹ sư đáp ứng các yêu cầu về nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin của xã hội. Sinh viên tốt nghiệp ngành hệ thống thông tin có khả năng tham gia xây dựng các hệ thống thông tin phục vụ cho các hướng ngành đang có nhu cầu rất lớn của xã hội, là: giáo dục điện tử, thương mại điện tử, chính phủ điện tử, các hệ thống thông tin địa lý (GIS)… có khả năng tư vấn, xây dựng các hệ thống thông tin theo đặc thù phục vụ cho doanh nghiệp. Sinh viên tốt nghiệp ngành hệ thống thông tin làm việc ở các chức danh: nghiên cứu viên, giảng viên, cán bộ quản lý dự án...
+ Ngành mạng máy tính và truyền thông đào tạo kỹ sư nắm vững kiến thức cơ bản và chuyên sâu về ngành nghề, đáp ứng yêu cầu về nghiên cứu, ứng dụng, có khả năng thiết kế chế tạo, bảo trì, sản xuất, thử nghiệm, quản lý các hệ thống mạng máy tính và truyền thông. Sinh viên tốt nghiệp có khả năng đảm nhận các chức năng tham mưu, tư vấn, tổ chức thực hiện nhiệm vụ với tư cách là một chuyên viên trong lĩnh vực CNTT.