Thành phố Móng Cái nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, với diện tích tự nhiên 520km2, 85% là đất liền, 15% là hải đảo, đồi núi chiếm 71% diện tích. Dân số trên 8 vạn người, với 17 đơn vị hành chính. Từ trước đến nay Móng Cái luôn có ví trí chiến lược quan trọng của tỉnh Quảng Ninh và cả nước về chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh, đối ngoại.
Phải nói rằng, thành tựu nổi bật nhất của kinh tế Móng Cái thời gian qua là duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh và tương đối bền vững. Kinh tế có bước phát triển nhanh, toàn diện, duy trì tốc độ tăng trưởng cao: bình quân trong 5 năm đạt 14,35%/năm, vượt 0,35% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XXI đề ra. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Các ngành dịch vụ phát triển nhanh, chiếm tỷ trọng cao, tăng từ 66,4% năm 2005 lên 73,2% năm 2010 (vượt 3,2% so với chỉ tiêu Đại hội).
GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt trên 1.500 USD, gấp 1,5 lần năm 2005. Giá trị tăng thêm các ngành dịch vụ bình quân 18,35%/năm (đạt kế hoạch đề ra). Giá trị hàng hoá qua cửa khẩu 5 năm đạt 12.716,0 triệu USD, tăng bình quân 25,2%/năm, gấp 3,2 lần so với nhiệm kỳ trước. Thị trường nội địa phát triển ổn định, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt 18.067,4 tỷ đồng, tăng bình quân 22,5%/năm; hiện trên địa bàn có 04 trung tâm thương mại, 14 chợ với 4.725 điểm kinh doanh, tổng vốn đầu tư 790 tỷ đồng. Lĩnh vực du lịch có bước phát triển, đã tăng cường công tác quản lý và đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến, huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế đầu tư cho du lịch. Thành phố hiện có 260 khách sạn, nhà nghỉ, trong đó, có một số khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 3 - 5 sao, đảm bảo các điều kiện phục vụ khách trong và ngoài nước. Tổng doanh thu về du lịch 5 năm đạt 1.893,74 tỷ đồng, tăng bình quân 12,95%/năm.
Dịch vụ vận tải được mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng hoạt động với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, từng bước đáp ứng nhu cầu vận chuyển, lưu thông hàng hoá và đi lại của nhân dân trên cả tuyến đường bộ, đường thuỷ. Tiếp tục đầu tư mới và đưa vào sử dụng cảng Vạn Gia, cảng Container Thác Hàn ... với tổng kinh phí trên 40 tỷ đồng, khối lượng hàng hoá bốc xếp bình quân đạt 1,6 triệu tấn/năm. Khối lượng vận chuyển hàng hoá hàng năm đạt trên 3,25 triệu tấn, vận chuyển hành khách trên 9 triệu lượt người. Tổng doanh thu ngành vận tải ước đạt trên 600 tỷ đồng, chất lượng vận chuyển hàng hoá, hành khách được nâng lên. Mạng lưới bưu chính viễn thông được quan tâm đầu tư phát triển: đến nay, 100% xã, phường được phủ sóng mạng điện thoại di động, tỷ lệ sử dụng điện thoại cố định và thuê bao di động trả sau đạt 68,7 máy/100 dân. 17/17 xã phường và các vùng lõm được phủ sóng thông tin liên lạc, đầu tư trang thiết bị hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống Tài chính - Ngân hàng phát triển mạnh, thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng phục vụ; hiện trên địa bàn có 11 chi nhánh ngân hàng (trong đó có 4 chi nhánh cấp I). Tổng doanh số hoạt động của các ngân hàng trong 5 năm đạt 680.023 tỷ đồng, tăng bình quân 32,3%/năm.
Lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (TTCN): đã tập trung quy hoạch, đẩy mạnh phát triển các khu, cụm công nghiệp. Hiện Thành phố có 430 cơ sở sản xuất công nghiệp, TTCN, thu hút hàng nghìn lao động, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, nhất là khu vực nông thôn. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp - TTCN và xây dựng (theo giá cố định 94) tăng bình quân 12,6%/năm. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp (giá cố định 1994) đạt 535,2 tỷ đồng, tăng bình quân 7%/năm, năm 2010 đạt 122,5 tỷ đồng, gấp 1,4 lần so với 2005. Sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp có bước phát triển khá, giá trị sản xuất toàn ngành tăng trưởng bình quân trên 6%/năm.
Triển khai thực hiện tốt Đề án cánh đồng 30 triệu đồng /ha/năm, giá trị sản xuất trung bình đạt 33,8 triệu đồng/ha/năm. Hình thành, phát triển một số mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao như: trồng hoa vụ đông, mô hình trồng rừng kết hợp cây ăn quả và chăn nuôi. Tổng sản lượng lương thực 5 năm đạt 82.537 tấn, bình quân đạt 16.507 tấn/năm, tăng 1,25%/năm. Chăn nuôi, bước đầu phát triển theo mô hình kinh tế trang trại, đưa các loài vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm... Thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước có bước phát triển khá: Trong 5 năm, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt 4.615 tỷ đồng, tăng bình quân 12,5%/năm, trong đó, vốn nhà nước quản lý 1.028 tỷ đồng, tăng bình quân 24,4%/năm, vốn từ các doanh nghiệp, doanh nhân và nhân dân đạt trên 2.983 tỷ đồng.
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài có nhiều khởi sắc, hiện Thành phố có 25 dự án, với tổng số vốn đăng ký đạt 274 triệu USD, trong đó 12 dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp với tổng số vốn đăng ký đạt trên 37 triệu USD; Công tác giáo dục - đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực: tập trung đầu tư xây dựng, kiên cố hóa trường lớp theo hướng chuẩn quốc gia. Tính đến hết năm 2010, toàn Thành phố có 21/45 trường chuẩn quốc gia đạt 46,67%, 39/45 trường kiên cố hóa đạt 86,67%. 12/17 xã phường có đủ 3 trường học cho ba cấp học độc lập, cơ bản đáp ứng tốt yêu cầu dạy và học trên địa bàn. Tăng cường công tác xã hội hoá giáo dục, hệ thống các trường dân lập, tư thục và số lượng học sinh ngoài công lập tăng nhanh, chất lượng đã dần được khẳng định. Hàng năm, nguồn kinh phí đầu tư cho phát triển sự nghiệp giáo dục chiếm 35,7% vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (bình quân 55 tỷ đồng/năm).
Công tác quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội luôn được đảm bảo, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế – xã hội phát triển. Đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Thực hiện đường lối - chính sách “mở cửa” của Đảng và Nhà nước, Thành phố Móng Cái đã và đang phát huy tốt được tiềm năng lợi thế để phát triển. Tin chắc rằng thành phố trẻ Móng Cái hôm nay đầy năng động, với sức sống mãnh liệt sẽ vững bước cùng đất nước tiến sâu vào thời kỳ hội nhập.