Bệnh viện Hùng Vương ngày nay nguyên là nhà bảo sanh Chợ lớn, 1 khu chuyên khoa sản của Bệnh viện Lalung Bonaire tức nhà thương Nam Việt cũ và là BV. Chợ Rẫy ngày nay.
Bệnh viện tọa lạc tại số 128 đường Hồng Bàng - Phường 12 - Quận 5 - TP. Hồ Chí Minh. Chiếm 1 diện tích hình chữ nhật rộng 14.241m2 được xây cất từ 1900 - được giới hạn bởi các con đường Hùng Vương, Nguyễn Chí Thanh, Triệu Quang Phục và Bà Triệu.
Khởi đầu, nhà Bảo sanh Chợ lớn có 60 giường- chủ yếu sanh thường và được dùng làm Trường nữ hộ sinh bản xứ để đào tạo các lớp NHS.
Đến năm 1940, khi xây cất xong Bảo sanh viện Từ Dũ thì nhà bảo sanh Chợ lớn này được sử dụng một phần làm Viện dưỡng nhi nuôi trẻ mồ côi.
Đến 1947, khi Nhật xâm nhập Viêt , khu này được sử dụng 1 phần làm khu doanh trại của quân Nhật.
Đến 1952 Thực dân Pháp dùng làm đồn công an gọi là trại công an Polo Chợ lớn chuyên bắt giam và tra tấn tù chính trị.
Ngày 27/11/1957, Bảo sanh viện được chính thức giao cho Bộ y tế Việt Nam cộng hòa quản lý, lúc này vẫn giữ 60 giường, chủ yếu đẻ thường, không nhận chữa trị phụ khoa. Sau đó được cho xây dựng sửa chữa lại và chính thức khánh thành ngày 23/3/1958 với tên Bảo sanh viện Hùng Vương, với qui mô 180 giường , được xếp Bảo sanh viện hạng II do Bác sĩ Hoàng Gia Hợp làm Giám đốc.
Ngày 01/10/1968 Bảo sanh viện được chọn làm thí điểm để thực hiện qui chế tự trị các Bệnh viện theo Nghị định số 613 và 614 – BYT/CTQTBV/NĐ ngày 23/8/1968 lúc này Bảo sanh viện có 292 giường chuyên về Sản phụ khoa và là trung tâm số 1 nghiên cứu kế hoạch hóa gia đình.
Trước 30/4/1975 Bảo sanh viện được nâng lên 375 giường được xếp Bảo sanh viện hạng 1 – có 321 công chức do Bác sĩ Phạm Tu Chính làm Giám đốc, địa bàn hoạt động chủ yếu là dân chúng cư ngụ khu vực Chợ lớn và các tỉnh lân cận – Bảo sanh viện đơn thuần tập trung cho việc sanh đẻ, còn về phụ khoa chủ yếu là giải quyết những bệnh thông thường. Bảo sanh viện tự trị hoạt động theo lối doanh thu lợi nhuận, mọi cấu trúc về tổ chức, nhân sự, phòng ốc đều mang đầy đủ tính chất lợi nhuận, các trại phòng được phân hạng theo giá tiền, không theo tính chất bệnh – có 1 trại là trại H gọi là trại “thí” giành cho sản phụ nghèo.
Ngày 30/4/1975 miền Nam hoàn toàn giải phóng Bảo sanh viện Hùng Vương được tiếp quản một cách trọn vẹn bởi 1 Ban quân quản gồm 4 đồng chí, Trưởng ban là Bác sĩ Nguyễn Thị Thùy với 3 thành viên là Y sĩ Hồ Thị Thanh; Y sĩ Đặng Huệ Linh và Y sĩ Nguyễn Thị Hạnh, về sau được bổ sung thêm 2 Đ/c: Y sĩ Phạm Văn Hùng và Y sĩ Hoàng Duy Kền. Cuối năm 1976 kết thúc thời kỳ quân quản.
Sau nhiều đợt cải tiến cơ cấu, ổn định, sắp xếp tổ chức, để phù hợp với 1 Bệnh viện chuyên khoa sản phụ theo mô hình XHCN, đến tháng 3/1978 Bệnh viện chính thức được Sở y tế công nhận là Bệnh viện chuyên khoa Sản phụ tuyến 4 của Thành phố Hồ Chí Minh với qui mô 400 giường, phục vụ cho 18 quận huyện nội ngoại thành với số dân 3,5 triệu . Bệnh viện thực hiện các nhiệm vụ và chức năng sau:
+ Là tuyến cao khám và điều trị các Sản phụ và bệnh lý phụ khoa, KHGĐ.
+ Nghiên cứu khoa học.
+ Chỉ đạo tuyến - thực hiện y tế dự phòng.
+ Đào tạo, huấn luyện cho sinh viên và CBCNV.
+ Hợp tác quốc tế.
Đã thay đổi toàn bộ cơ cấu tổ chức các khoa phòng theo tính chất bệnh lý, chuyên khoa sâu của 1 bệnh viện tuyến 4 chuyên ngành sản phụ khoa, KHGĐ. Thực hiện đầy đủ các qui chế chuyên môn, các chế độ thường trực, cấp cứu, an toàn hợp lý thuốc, hồ sơ bệnh án . . . xây dựng tổ đội lao động XHCN.