Trang chủ | Tin tức - Sự kiện | Thêm địa điểm
Hướng dẫn | Liên hệ | 3555 địa điểm, Online 1013 | Đăng nhập  MobiWeb
  tới  
  • Bản đồ
  • Giới thiệu
  • Sự Kiện
  • Hình ảnh
  • Chia sẻ:           

1- Vị trí địa lý


     Thành phố Tân An nằm về phía Tây Nam Thành phố Hồ Chí Minh, cách trung tâm thành phố 47 km và có ranh giới với các đơn vị hành chính như sau: Phía Bắc giáp huyện Thủ Thừa; Phía Đông giáp huyện Tân Trụ và huyện Châu Thành; Phía Tây và Tây Nam giáp tỉnh Tiền Giang.


     Thành phố có 9 phường và 5 xã với tổng diện tích tự nhiên là 8.192,64 ha, dân số theo số liệu điều tra 1/4/1999 là 113.850 người. Trong đó phường 1 là trung tâm kinh tế, chính trị văn hóa của Thành phố.


     Thành phố Tân An là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế, khoa học kỹ thuật của tỉnh Long An. Thành phố vừa nằm trên tia phát triển của Địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam, vừa là cửa ngỏ kinh tế của các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long, có trục giao thông chính thủy bộ chạy qua trung tâm là Quốc lộ I A, Quốc lộ 62 và sông Vàm cỏ Tây.


     Với vị trí địa lý như trên tạo cho thành phố Tân An có lợi thế so sánh tương đối về địa lý kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Long An nói chung và thành phố Tân An nói riêng.

 

2. Đặc điểm tự nhiên


     Thời tiết - Khí hậu: Thành phố Tân An nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, cận xích đạo, nền nhiệt độ cao và ổn định. Khí hậu chia làm 2 mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4. Nhiệt độ trung bình năm là 27,9 oC. Độ ẩm tương đối ổn định trong năm với mức bình quân là 79,2%. Lượng mưa trung bình là 1.532mm, tập trung từ tháng 5 đến tháng 11 chiếm khoảng 91,7% tổng lượng mưa cả năm.


     Chế độ thủy văn: Hệ thống sông ngòi, kênh rạch trên địa bàn thành phố khá chằng chịt mang sắc thái của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và chịu ảnh hưởng chế độ bán nhật triều của biển Đông. Biên độ triều cực đại trong tháng từ 217- 235 cm, đỉnh triều cực đại tháng 12 là 150 cm. Một chu kỳ triều khoảng 13-14 ngày. Do gần cửa biển, biên độ triều lớn, đỉnh triều vào đầu mùa gió chướng nên sông rạch thường bị xâm nhập mặn.


     - Về mùa lũ sông Vàm Cỏ Tây vừa chịu ảnh hưởng của thủy triều, vừa chịu ảnh hưởng của lũ ở vùng Đồng Tháp Mười tràn về. Mùa khô từ tháng 2 đến tháng 6 nước sông Vàm Cỏ Tây bị nhiễm mặn. Tháng 5 có độ mặn cao nhất 5,489g/lít, tháng 1 có độ mặn 0,079g/l. Độ pH trong nước sông Vàm Cỏ Tây từ tháng 6 đến tháng 8 khoảng 3,8 - 4,3 nên không thể sử dụng cho sản xuất và sinh hoạt.


     Địa hình - Địa chất: Địa hình Thành phố Tân An mang đặc điểm chung vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Nơi đây địa hình được bồi đắp liên tục và đều đặn dẫn đến sự hình thành đồng bằng có bề mặt bằng phẳng và nằm ngang. Độ cao tuyệt đối biến đổi từ 0,5- 2 m (hệ Mũi Nai) và trung bình là 1-1,6 m. Đặc biệt lộ ra một vùng cát từ Tiền Giang qua Tân Hiệp lên đến Xuân Sanh (Lợi Bình Nhơn) với độ cao thường biến đổi từ 1-3 m.


      Hầu hết phần diện tích đất ở hiện hữu không bị ngập úng, rải rác có những điểm trũng dọc theo hai bên bờ sông rạch bị ngập nước về mùa mưa. Nhìn chung địa hình Thành phố tương đối thấp, dễ bị tác động khi triều cường hoặc khi lũ Đồng Tháp Mười tràn về.


    Tài nguyên:


      Tài nguyên nước mặt ở Long An khá phong phú, Sông Vàm Cỏ Tây đoạn chảy qua Tân An có chiều dài 15,8 km, độ sâu trung bình 15 m, nguồn nước chủ yếu do sông Tiền tiếp sang qua kênh Hồng Ngự và kênh Cái Cỏ. Kênh Bảo Định từ sông Vàm Cỏ Tây nối sông Tiền tại TP. Mỹ Tho. Ngoài ra còn có Rạch Chanh, Rạch Châu Phê, Rạch Bình Tâm, Rạch Cần Đốt. Nhìn chung nguồn nước mặt không thuận lợi cho sản xuất và sinh hoạt do bị nhiễm mặn, phèn và ô nhiễm chất thải. Nước mưa 1.200-1.600 mm/năm là nguồn bổ sung quan trọng cho nguồn nước mặt.


     Chất lượng nước ngầm ở Tân An được đánh giá là khá tốt, đủ tiêu chuẩn sử dụng cho nhu cầu sinh hoạt. Kết quả phân tích một số mẫu nước ngầm ở thành phố cho thấy độ H=5,3-7,8; C=8-200mg/l; lượng sắt tổng số Fe= 1.28- 41.8mg/l. Theo số liệu khảo sát và tính toán của liên đoàn 8 điạ chất thủy văn, trữ lượng nước ngầm của thành phố Tân An là trên 133.000 m3/ngày đêm. Riêng phường Khánh Hậu, thành phố Tân An có mỏ nước khoáng ở độ sâu 400m đang được khai thác.


     Tài nguyên đất: Đất ở thành phố Tân An biến đổi mạnh theo địa hình. Khoảng 86,13% diện tích đất thuộc nhóm đất phù sa ngọt đang phát triển mạnh, còn lại là diện tích đất phèn. Có thể chia thành 5 loại đất chính như sau:


    + Đất phù sa đang phát triển tầng mặt giàu hữu cơ là 284,43 ha chiếm 3,47% so với tổng diện tích tự nhiên, phân bố rải rác trên địa hình trung bình đến hơi cao ở phường Khánh Hậu và xã An Vĩnh Ngãi. Loại đất này thích nghi nhiều loại cây trồng nên có tiềm năng đa dạng hóa rất cao.


    + Đất phù sa phát triển sâu, điển hình, bão hòa nước ngầm là 4.507,72 ha, chiếm 55,02% diện tích tự nhiên. Đất phát triển từ vật liệu phù sa mới, trầm tích nước ngọt có địa hình cao và phân bố thành các vùng lớn ở khắp địa bàn thành phố. Loại đất này thích nghi nhiều loại cây trồng và có tiềm năng đa dạng hóa cây trồng rất cao.


    + Đất phù sa phát triển sâu, bảo hòa nước ngầm là 1.994,09 ha chiếm 24,34% tổng diện tích tự nhiên. Mẫu chất là trầm tích phù sa mới, được hình thành và phát triển trong môi trường nước ngọt, phân bố trên địa hình cao, rãi rác trong địa bàn thành phố.


    + Đất phèn tiềm tàng là 267,43 ha, chiếm 3,26% tổng diện tích tự nhiên. Phân bố trên địa hình trung bình ở ấp Ngãi Lợi B xã Lợi Bình Nhơn, Hướng Thọ Phú và dọc sông Vàm Cỏ Tây.


    + Đất phèn hoạt động là 152,19 ha chiếm 1,86% tổng diện tích tự nhiên, phân bố ở trung tâm xã Hướng Thọ Phú, đất có địa hình trung bình thấp so với chung quanh.


    Là một địa bàn hình thành khá lâu nên phần lớn diện tích đất tự nhiên của thành phố Tân An được sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế xã hội. Tuy là tỉnh lỵ của tỉnh Long An nhưng phần lớn diện tích đất tự nhiên được bố trí cho mục đích nông nghiệp (khoảng 72%). Diện tích đất chuyên dùng chiếm chưa đến 11%. Tổng diện tích đất sử dụng cho đô thị chiếm khoảng 27% tổng diện tích tự nhiên. Mức độ phát triển đô thị trên địa bàn thành phố tương đối thấp, chưa đạt yêu cầu là trung tâm tỉnh lỵ.


   Tài nguyên nhân văn: Hình thành từ cuối thập niên thứ 17 từ nhiều nguồn nên cộng đồng dân cư thành phố Tân An có kiến thức, tay nghề, kinh nghiệm sản xuất và vốn văn hóa dân gian cũng đa dạng phong phú. Tuy quy mô không lớn nhưng thành phố Tân An cũng khá nổi tiếng ở miền Nam với những nét độc đáo về cảnh sắc, về phong cách sinh hoạt, và là nơi hội tụ văn hóa văn nghệ mang đậm nét bản sắc dân tộc. Đây cũng là nơi có khá nhiều di tích lịch sử văn hóa như lăng Nguyễn Huỳnh Đức và gần 100 ngôi đình chùa, miếu, thánh thất...


     Dân số và nguồn nhân lực: Dân số thành phố là 113.850 người (1/4/1999) bằng 8,72% dân số toàn tỉnh, trong đó, dân nội thị là 71.686 người chiếm 63% và dân nông thôn là 42.164 người chiếm 37% dân số toàn thành phố. Tốc độ tăng dân số bình quân giai đoạn 1989 -1999 là 1,27%, thấp hơn so với mức bình quân của tỉnh (1,55%). Mật độ dân số trung bình của thành phố là 1.390 người/km2 cao gấp 4,85 lần so với mật độ toàn tỉnh (300 người/km2).


     Lao động trong độ tuổi năm 1999 là 71.927 người chiếm tỷ lệ 63% dân số, trong đó lao động trong khu vực I chiếm 28%, lao động trong khu vực II chiếm 13,6% và lao động trong khu vực III chiếm 42% trong tổng số lao động, cho thấy mức độ tham gia sản xuất của khu vực mại - dịch vụ khá cao. Lao động gia tăng bình quân hàng năm khoảng 2.800 người/năm, trong đó lao động thất nghiệp giảm dần từ năm 1991 là 11.034 người (18%) đến năm 1999 còn khoảng 4.479 người (7%).

 

3. Nhận xét về điều kiện tự nhiên


       Lợi thế so sánh


      - Tiếp cận với thành phố Hồ Chí Minh - Thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa lớn, là trung tâm tài chính lớn của cả nước, nơi chuyển giao khoa học, công nghệ, kinh nghiệm quản lý đô thị... nên thành phố có nhiều lợi thế so sánh tỉnh, mở ra khả năng phát triển nhanh trong tương lai.


      - Với 86% diện tích tự nhiên là đất phù sa ngọt và các điều kiện về thời tiết, khí hậu thuận lợi tạo điều kiện đa dạng hóa cây trồng. Thổ nhưỡng, tính chất cơ lý của đất không quá bất lợi cho xây dựng và phát triển đô thị.


      - Hệ thống giao thông thuận lợi cho việc mua nguyên liệu từ Đồng bằng Sông Cửu Long phục vụ công nghiệp chế biến và xuất khẩu.


       Hạn chế


     - Địa hình tương đối thấp dễ bị tác động của triều cường và lũ Đồng Tháp Mười tràn về. Mùa nắng thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất.


     - Chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ của Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương trong tỉnh trong việc thu hút đầu tư, thu hút nguồn nhân lực.

 

4. Đánh giá chung


       Lợi thế:


     - Tiếp cận với TP. Hồ Chí Minh - một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, tạo điều kiện cho thành phố Tân An tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật và liên kết về nhiều mặt kinh tế, văn hóa, xã hội.


     - thành phố Tân An là cửa ngõ của TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh Miền Tây, tác động trực tiếp lên các ngành dịch vụ của thành phố. TP Hồ Chí Minh là nơi có nhu cầu tiêu thụ hàng hóa rất lớn nên tác động mạnh mẽ đến sản xuất và cung ứng hàng hóa nông sản, phát triển mạnh gia công và chế biến các mặt hàng công nghiệp tại thành phố Tân An.


    - Hoạt động kinh tế của thành phố trong các năm qua đã có bước phát triển khá, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Các mặt giáo dục, y tế văn hóa xã hội được quan tâm hơn, tệ nạn xã hội được ngăn chặn và đẩy lùi từng bước. Đời sống dân cư được cải thiện rỏ nét theo xu thế chung của Tỉnh.


    - Là địa bàn có sự phát triển thương mại- dịch vụ, công nghiệp với các tuyến giao thông của huyện đã nối kết các tuyến giao thông trong tỉnh, trên địa bàn có đường Quốc lộ 1A đi qua.


    - Là động lực thúc đẩy công nghiệp của Long An phát triển với hàng loạt các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn.


    - Mạng lưới giao thông đã vươn tới các xã, phường. thành phố Tân An là hai trong số 14 huyện của tỉnh có đường ô tô đến trung tâm xã, tuy nhiên chất lượng đường còn xấu chưa được cải tạo. Mạng lưới điện đã kéo tới xã, là 3 trong số 14 huyện có mạng lưới điện đến 100% xã trong huyện, số xã có điện đạt 100 %, số hộ dùng điện đạt 80%.


   - Nhân dân thành phố Tân An có mức sống cao hơn một số huyện trong tỉnh, mức thu nhập bình quân năm 2000 đạt 7,5 triệu đồng/người/năm (bình quân của tỉnh là 5 triệu đồng).


    Hạn chế:


    - Việc phát triển đô thị chưa được quan tâm đầy đủ nên thành phố chưa thể hiện là trung tâm chính trị, kinh tế văn hoá khoa học kỹ thuật của Tỉnh, chưa phát huy được lợi thế vị trí địa lý, chưa tạo được động lực mạnh mẽ cho việc thu hút vốn đầu tư, công nghệ, lao động.. cho quá trình phát triển. Cơ sở hạ tầng chậm được cải thiện và tiếp tục xuống cấp, kiến trúc đô thị còn thấp và quản lý manh múm, thiếu chặt chẻ, trật tự công cộng và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo.


    - thành phố Tân An là khu trung tâm của Tỉnh Long An nhưng hệ thống hạ tầng cơ sở còn bộc lộ nhiều yếu kém, không tương xứng với yêu cầu đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.


    - Hạn chế lớn nhất là vào mùa mưa thường bị ảnh hưởng của cường triều, trái lại mùa khô rất thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất vì sự cạn kiệt của nước sông.


    - Việc bố trí dân cư trong thời gian qua, phần lớn mang tính tự phát, nên bộ mặt thành phố còn thiếu nét văn minh đô thị. Ngoài vài trục đường chính khang trang, phần lớn dân cư đời sống còn nghèo nàn với mái nhà tạm bợ.

 

5. Quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu:


    Quan điểm: Phát triển thành phố Tân An không chỉ giản đơn là xây dựng một đô thị lớn mà chính là xây dựng một trung tâm tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học của tỉnh, đủ sức chi phối và liên kết các mặt với các huyện trong tỉnh, tạo thế và lực cho quá trình hợp tác, liên kết, trao đổi giữa các địa phương bạn trong phạm vi cả nước và quốc tế.


    - Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa phù hợp với hệ sinh thái trong vùng. Kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế với mục tiêu an sinh và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo phát triển ổn định và bền vững.


    - Phát triển kinh tế nhiều thành phần, tạo môi trường thông thoáng để tận dụng mọi nguồn lực trong cộng đồng dân cư. Xây dựng nền kinh tế mở, phát triển nền kinh tế theo cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.


    - Kết hợp chặt chẽ giữa cải tạo và xây dựng mới, kiến trúc đô thị phải hiện đại, phù hợp truyền thống văn hóa phương Đông, truyền thống văn hóa dân tộc và cảnh quan thiên nhiên.


    - Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố Tân An phải dựa trên phương hướng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Tỉnh Long An.


    - Phát huy và nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần tự lực, tự cường, không ngừng phấn đấu vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Đồng thời gắn kết chặt chẻ, hữu cơ với các ngành tỉnh.


    Thời cơ:


    - Với chủ trương thông thoáng của Nhà nước, đầu tư trong nước và nước ngoài sẽ gia tăng mạnh trong thời gian tới, nếu tạo được môi trường hấp dẫn sẽ mở ra cơ hội thu hút nguồn lực, tạo ra những đột phá trong tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
   - Sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh trong việc chỉnh trang và xây dựng đô thị sẽ tạo những điều kiện thuận lợi cho chu trình phát triển mới.


    Thách thức:


    - Hạ tầng cơ sở phát triển kém, giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Một số mặt về vệ sinh và môi trường còn là thách thức lớn.


    - Trình độ và năng lực cán bộ còn nhiều hạn chế, trình độ quản lý Nhà nước chưa ngang tầm với nhiệm vụ.

 

 6. Mục tiêu tổng quát:


    - Nâng cấp, mở rộng và phát triển thành phố Tân An từ đô thị loại 4 thành đô thị loại 3 để thực sự là đô thị văn minh, hiện đại, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học của tỉnh Long An. Liên kết chặt chẽ với các huyện trong tỉnh, với Thành phố Hồ Chí Minh và đồng bằng Sông Cửu Long.


    - Đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững. Chăm lo đời sống vật chất và văn hóa của dân cư, giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc của xã hội.


    - Kết hợp phát triển kinh tế với quốc phòng, giữ vững an ninh, chính trị trong các giai đoạn phát triển.

 

 7. Mục tiêu cụ thể:


    - Nhịp độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm theo GDP trên địa bàn giai đoạn 2001-2010 là 11,4%, trong đó giai đoạn 2001-2005 là 10,7% và giai đoạn 2006-2010 là 12%.


    - Giá trị tăng thêm bình quân đầu người từ 10 triệu đồng/người năm 2000 (tương đương 700 USD), tăng lên 17,7 triệu năm 2005 (tương ứng 1.050 USD) và đạt 32,7 triệu đồng năm 2010 (tương đương 1.600 USD).


    - Giá trị sản xuất (GTSX) công nghiệp theo giá 1994 tăng bình quân 13%/năm giai đoạn 2001-2005 và 13,5%/năm giai đoạn 2006-2010. Bình quân cả 2 giai đoạn là 13,2%/năm.


GTSX thương mại, dịch vụ tăng bình quân 11,4%/năm giai đoạn 2001-2005 và 12,6%/năm giai đoạn 2006-2010. Bình quân cả 2 giai đoạn là 12%/năm.


GTSX nông nghiệp tăng bình quân tăng bình quân 1%/năm giai đoạn 2001-2005 và giai đoạn 2006-2010 là 0,5%/năm. Bình quân cả 2 giai đoạn là 0,8%/năm.


    - Giảm tỷ lệ sinh từ 1,6% năm 2000 xuống còn 1,2% năm 2005 và 1% năm 2010. Tốc độ tăng dân số trung bình hàng năm giai đoạn 2001-2005 là 2,4% và 2,2 giai đoạn 2006-2010.


    - Giảm tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng xuống còn 20% vào năm 2005 và 15% vào năm 2010.


    - Tăng tỷ lệ lao động có tay nghề đạt 30% năm 2005 và 50% năm 2010, cán bộ có trình độ đại học chiếm tỷ lệ 15-20% vào năm 2010.


    - Đẩy mạnh phát triển ngành nghề đa dạng để giải quyết đủ việc làm cho người lao động, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân. Phấn đấu đến năm 2005 giảm tỷ lệ nghèo xuống còn khoảng 7% và năm 2010 còn 5% (theo tiêu chí mới).


    - Đảm bảo cho dân sử dụng nước sạch trên 95% vào năm 2005 và 100% vào năm 2010.


    - 100% hộ có điện thấp sáng và điện khí hóa vào năm 2005.


    - Đảm bảo sự an toàn xã hội và quốc phòng trong chiến lược đảm bảo an ninh quốc phòng chung và của cả nước.

Không tìm thấy hình ảnh
Báo sai thông tin | Bản đồ lớn | Lượt (7014)

Long An
- Địa chỉ: 61 Nguyễn Huệ, Phường 1, Thành phố Tân An, Long An
- Điện thoại:
- Email:
- Website:

Hà Tây
- Địa chỉ: Hà Tây
- Tel:
Liên Bang Nga
- Địa chỉ: Liên Bang Nga
- Tel:
Australia
- Địa chỉ: Australia
- Tel:
Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu
- Địa chỉ: Số 198 đường Bạch Đằng, khu phố 4, phường Phước Trung,
- Tel: 064.3727389 -
Cộng Hòa AN-BA-NI
- Địa chỉ: Cộng Hòa AN-BA-NI
- Tel:

Quảng cáo

Liên kết: Đăng ký tên miền | Xem quảng cáo | Data Center | Phần mềm Việt Nam | Vào học | Lịch khai giảng | TourBalo | Thế giới CEO | Ẩm Thực VIP | Web1080
www.trenduong.com & www.trenduong.vn - Copyright (c) 2013 - 2024 Quản lý bởi PMV Software - Công Viên Phần Mềm Quang Trung, Quận 12, TP.HCM, Việt Nam